Cafe Tùng - nơi gặp gỡ của giới tao nhân.

Cafe Tùng Đà Lạt xưa –

nơi gặp gỡ một thời của giới tinh hoa miền nam

Lịch sử của Tùng nổi tiếng của xứ sở sương mù Đà Lạt gắn với một phần lịch sử di cư của người Việt lên miền cao nguyên Lang Bian lập nghiệp; đó chính là một mảnh vi lịch sử về đời sống người phương Bắc nhập cư Đà Lạt ở giai đoạn sớm.

Chủ quán cafe Tùng đã tìm đến với thành phố cao nguyên này sớm hơn đợt di cư năm 1954. Ông thuộc trong nhóm người Hà Nội đến Đà Lạt quãng thập niên 1940.

Kinh doanh cafe không phải là ngành nghề kiếm sống ban đầu của gia đình ông bà Trần Đình Tùng – Lê Thị Giác (đều sinh năm 1927). Trước năm 1955, những con phố ở trung tâm Đà Lạt hãy còn thoáng rộng, một vài chỗ còn đầm lầy, nhiều nếp nhà tranh của người Việt dựng lên tạm bộ dưới những tán thông. Thời này ông Tùng làm công chức ở Nha Địa dư Quốc gia. Sau đó, rời việc công chức nhàm chán, ông đi làm thợ hớt tóc. Rồi nghề thợ hớt tóc đến lúc cũng không đủ sống, ông chuyển qua học chế biến, pha chế cafe. Ông mày mò nghiên cứu văn hoá cafe từ những tài liệu người Pháp để lại và nuôi mộng mở một quán cafe nhà phố vừa mang tinh thần Pháp – Âu lại vừa thân thiện, công năng thức thời kiểu Mỹ trong không khí chuyển giao lịch sử (giá trị Mỹ đang dần tạo ra ảnh hưởng cùng với sự xuất hiện ngày càng ồ ạt của người Bắc trong đợt di cư lớn của những ngày đầu thời tổng thống Ngô Đình Diệm).

Ban đầu, cafe Tùng không nằm ở địa điểm số 6 khu Hòa Bình như bây giờ.

Năm 1955, ông Trần Đình Tùng khai trương quán ở địa chỉ  kiosque số 5 đường Thành Thái, bên cạnh có nhà in, hiệu sách Đà Lạt khá nổi tiếng. Cafe Tùng thời điểm này trội hơn một số tiệm cafe khác ở trung tâm, thứ nhất bởi địa thế đẹp, nhà mặt phố khang trang có tầm nhìn từ đỉnh đồi ngó xuống bờ hồ (dù phố xá thời kỳ này thì còn hiu hắt lắm, chưa có nhiều nhà cửa hay công trình để ngắm nghía).

Ông Trần Đình Tùng

Ngoài ra, Tùng mang lại một không gian sang trọng khác biệt, nhất là với âm nhạc: giọng ca Edith Piaf, Yves Montand hay Dalida đã được cất lên từ bộ loa thùng nhỏ trong góc kiosque ấm áp nơi góc phố cao nguyên còn đậm sắc thái văn hoá Pháp. Dòng nhạc từ Châu Âu xa xôi như gọi về giấc mơ về một tiểu Paris hay thủ phủ liên bang Đông Dương vừa vụt qua trong chớp mắt lịch sử.

Trụ được ở kiosque số 5 Thành Thái trong vài ba năm, thì qua một đợt chỉnh trang trung tâm, quán cafe Tùng phải dời đi, lần này thì chuyển đến một kiosque dãy nhà bên hông Chợ (cũ) Đà Lạt, nay là rạp Hòa Bình. Thời kỳ này neo đậu không lâu. Là người từng làm Nha Địa dư, ông Tùng có lẽ cũng nắm một số phong thanh thông tin quy hoạch để biết rằng, đây chỉ là giai đoạn dừng chân tạm thời để duy trì hoạt động của quán trước khi kiếm được một địa điểm ổn định hơn.

Chợ Đà Lạt

Năm 1958, chợ Đà Lạt hiện nay (gọi là Chợ Mới) được bắt đầu xây dựng theo bản thiết kế của kiến trúc sư Nguyễn Duy Đức, nhà thầu Nguyễn Linh Chiểu thi công (về sau, kiến trúc sư Ngô Viết Thụ thiết kế “bổ sung” một lối đi bắc ngang qua khu Hòa Bình). Năm 1960 Chợ Mới khai trương, kéo theo cuộc giải tỏa dãy kiosque bên hông Chợ Cũ. Trung tâm Đà Lạt lại trải qua một đợt chỉnh trang lớn. Lần này, gia đình ông Trần Đình Tùng mới cho dời quán cafe sang tầng trệt nhà phố số 6 khu Hòa Bình và định vị ở đó cho đến bây giờ.

Khu Hòa Bình

Như vậy, trước khi an cư ở địa chỉ hiện tại thì cafe Tùng đã hai lần di dời trong vòng 5 năm, từ năm 1955 đến 1960. Trong hai lần đó, gia đình ông Tùng tạm gọi là bắt mạch được phong cách thưởng thức cafe của người Đà Lạt, đặc biệt là giới tri thức, công chức tinh hoa. Vợ chồng ông tự rang, xay cafe theo một công thức riêng, trung thành với kiểu cafe pha phin – một lối thưởng thức cafe của người ưa sống chậm, âm nhạc được chọn theo mọt gu riêng, đậm chất Pháp và thẩm mỹ không gian quán xá được thiết kế theo một phong cách riêng, ấm áp, thân thiện và lịch thiệp. Không gian của cafe Tùng có sự dung Hòa những giá trị Pháp qua âm nhạc, tranh ảnh mang vẻ hoài niệm cùng phong thái phục vụ đậm tính chất gia đình nề nếp truyền thống Việt Nam trong một thiết kế đề cao tính tiện nghi, cởi mở kiểu Mỹ. Nơi Tùng, những giá trị có tính quốc tế được nuôi dưỡng từ một bối cảnh lịch sử đặc biệt của thành phố, mà hình thành bản sắc, nhất quán cho đến mãi về sau này..

Một bức ảnh đầu thập niên 1960 chụp cảnh ông Trần Đình Tùng đứng ở quầy bar của quán, vận đồ véton, tóc rẽ ngôi giữa, khuôn mặt gầy nhưng vóc dáng thư sinh – đang chăm chú tính toán sổ sách. Cạnh ông là hai đầu đọc đĩa than, bộ amply và loa, trên tường có dán một mẫu quảng cáo thuốc Bastos (đây là loại thuốc nặng, phổ biến ở Đà Lạt có lẽ một phần bởi thời tiết lạnh lẽo, cũng có thể bản thân thương hiệu này gắn với gu thưởng thức thuốc lá của dân Tây công chức thời thuộc địa và có ảnh hưởng đến cư dân Đà Lạt về sau chăng?!) và bức ảnh một phụ nữ ăn vận rất “à la mode” có lẽ được cắt ra từ một mẩu bích chương quảng cáo hay trang tạp chí nào đó.

 

Cafe Tùng, ròng rã thập niên 1960 và nửa đầu 1970 có thể coi là một quán cafe đô thị có sức hấp dẫn đặc biệt với giới tinh hoa, ưu tú của Đà Lạt và miền Nam. Đôi tình nhân nghệ sĩ Lê Uyên và Phương từng chọn Tùng làm nơi hò hẹn. Khi đã là vợ chồng, họ vẫn chọn một góc ở Tùng làm nơi bên nhau hàng ngày, tay trong tay nhìn ngày mới lên, nhìn màn đêm phủ xuống thành phố và ước nguyện “có yêu nhau ngọt ngào tìm nhau”.

Phía sau cánh cửa kính đón ánh sáng những ngày mùa đông mây xám, Nguyễn Thị Lệ Mai, với mảnh đời riêng đầy đa đoan từng ngồi đếm từng giọt cafe rơi và nghĩ và nghĩ về một tương lai vô định. Hẳn lúc ấy cô không hình dung được rằng, một ngày nào đó giọng ca của mình sẽ cất lên trên chiếc loa thùng của quán cafe này với thứ âm nhạc phản chiến của một chàng nhạc sĩ còn ủ dột u sầu ở xó núi B’lao mà làm xiêu đổ biết bao trái tim cư dân trong thành phố, con dân trên đất nước thời loạn li.

Về sau, Lệ Mai, tức ca sĩ Khánh Ly, nhớ lại:

“Một thời 20 rất bụi đời, rất vỉa hè. Đến như gió. Đi như gió. Từ đâu tới. Đi về đâu. Không biết. Không cần biết. Đáng yêu biết bao những ngày tháng sống lãng đãng như mây trời, biển khơi. Phà khói thuốc vào sương mù Đà Lạt. Buổi sáng thức dậy, ngửi mùi thơm của thông. Nghe thông reo nhè nhẹ. Mặc áo len cổ tròn, quàng cổ, quần jean, thế là… xuống phố.

Có lúc đi giữa mưa vẫn nghe tiếng chân mình rộn rã reo vui trên mặt đường loang nước ở ngã tư. Xe đò, xe lam từ hướng Chi Lăng chạy ra. Bước lên xe ngồi xuống. Bao giờ tôi cũng ngồi ngoái lại trường tiểu học Phan Chu Trinh nằm bên kia đường.

Tôi đã học ở đây năm 1956. Xe qua nhà vãng lai dành cho các sĩ quan Không Quân nghỉ mát. Qua ga xe lửa. Tiệm phở ở ga ăn cũng khá. Đổ một con dốc. Rồi một con dốc nhỏ nữa, qua nhà thương Soyer, trường Yersin. Xe cứ chạy. Bên trái là sân vận động, sân tennis. Khách sạn Palace. Đường rẽ lên nhà thờ chính toà Đà Lạt. Bên phải là Hồ Xuân Hương. Vòng theo một bùng binh. Ngang qua khu quân vụ thị trấn, xe đò lên dốc. Vào bến đậu ngay cạnh cafe Tùng. Vào làm một ly đã. Mọi chuyện tính sau. Ngày nào cũng thế, năm nào cũng thế. Không thay đổi.

Cũng nơi dãy ghế da liền cũ kỹ, trước những chiếc bàn gỗ bọc nhựa mica trắng im hơi, Phạm Công Thiện đã ngồi hàng giờ nhìn khói thuốc và trầm tư về thi ca, về thân phận và cách xoay chuyển tinh thần cá nhân trong một thực tại u ám bởi chiến tranh. Chàng trẻ tuổi đương nhiên triển khai trong đầu những gì là “ý thức mới trong văn nghệ và triết học”…

Cũng ở một chỗ nào đó của Tùng, một chiều sương xám của thuở phố phường còn tịch lặng, trung niên thi sĩ Bùi Giáng xé vỏ thuốc lá mà biên mấy câu thơ giã từ lộng lẫy buồn:

Buổi sớm hôm buồn tinh tú ai ngừa
Bàn chân bước vơi tay buông kể lể
Trời với đất để lòng em lạnh thế
Hoa hương ơi còn diễm lệ bao giờ

Những ân tình đầu liễu rũ lơ thơ
Còn hay mất trong trăng mờ khuya khoắt

Cũng tại đây, chắc Từ Công Phụng, chàng sinh viên gốc Chăm đến từ đất nắng Phan Rang cũng từng có nhiều buổi chiều băn khoăn về tình yêu để rồi vượt qua những bỡ ngỡ rụt rè với âm nhạc thuở ban đầu, chia sẻ với bạn bè những câu hát đẹp như kẻ mộng du đi chới với trong vùng khói sương hư thực, đánh rơi ý niệm về thời gian và không gian:

Bây giờ, tháng mấy rồi hỡi em
Lênh đênh, ngàn mây trôi êm đềm…

Nhiều trí thức danh nhân đã lặng lẽ bước trên nền gạch bông cũ để chọn cho mình một chỗ ngồi, nhưng nói đúng, là dọn cho mình một tâm thế sống, rồi thư thái nhìn cuộc đời lướt qua bên ngoài, nhìn thời gian lặng trôi, chiêm nghiệm nhân thế thời ly loạn bên ly cafe. Họ gặp ở đó không gian mà mỗi hiện tại đều nhanh chóng kết tủa thành Hòai niệm rồi cũng tự mình đắm đuối với thời gian đã mất. Họ gặp ở đó chút ấm cúng của một nhân quần nhỏ biết khắc khoải suy tư hay băn khoăn về thân phận mong manh của con người trong thời chiến, gặp ở đó cả những mảnh tình đa đoan trôi dạt trên quê hương thống khổ mà luôn thừa mứa mộng mơ.

Vào mỗi tối thứ 5 hàng tuần, họ vẫn tiếp tục chiêu diêu trong khí quyển tinh thần của những bản pop mang đậm sắc thái Francophone với “Ýe ýe” hậu chiến có màu tươi sáng và giễu cợt số phận, mà đại diện tiêu biểu là: Adamo, Johnny Hallyday, Sylvie Vartan, France Gall, Francoise Hardy, Claude Francois, Christophe hay Jacques Brel…

Trong tạp ghi về Đà Lạt của một lữ khách về giai đoạn này, có dành những dòng nâng niu dành cho Tùng:

“Tất cả những gì có từ ngày cafe Tùng bắt đầu sáng nghiệp, đến nay không thay đổi. Giữa cái lạnh sắt se của trời đêm Đà Lạt, ngồi trong quán cafe Tùng nhìn từng ngọn đèn đường mờ ảo qua ô cửa kính, người ta thật sự cảm nhận trọn vẹn sự thơ mộng của thành phố mù sương. Những hôm quá lạnh, cafe Tùng là lò sưởi làm ấm lòng lữ khách. Nhưng cũng có người không ngại ngồi trên balcon – chỉ có một bàn duy nhất – nhìn xuống đường, để thưởng thức sự rét mướt bao phủ khắp núi đồi Đà Lạt.

Những ai ở Đà Lạt trong thập niên 1960, 1970 đều biết: Thứ Năm là ngày Cà Phê Tùng cho khách nghe nhạc Pháp. Dĩa hát của những giọng ca vàng từng ngân vang trong quán, như Francoise Hardy với Tous les garcons et les filles, Ton meilleur ami, Sylvie Vartan trình bày thật vui tươi La plus belle pour aller danser, En écoutant la pluie, Quand le film est triste, Dalida tài danh thể hiện Bambino, L’histoire d’un amour, Besame mucho, Christophe hát Main dans la main hay Charles Aznavour trầm ấm lả lướt với ca khúc Et moi dans mon coin.”

Ở Tùng, không gian không lấy gì làm cầu kỳ. Những bộ bàn ghế gỗ đơn sơ được đóng từ năm 1953, bằng tuổi anh con trai trưởng trong gia đình ông Tùng mà đến nay vẫn còn hữu dụng. Dàn âm thanh cũng vậy. Năm 1965, ông Tùng lặn lội xuống quân cảng Cam Ranh, để mua cặp loa hàng PX (viết tắt của Post exchange, dịch vụ phân phối hàng hoá dành cho quân đội Mỹ ở miền Nam Việt Nam) có âm thanh ấm, có thể kết nối để nghe âm thanh analog từ chiếc máy đọc đĩa than. Cũng sau hơn nửa thế kỷ, cặp loa ấy vẫn còn được sử dụng ở Tùng.

Tùng vẫn là một thánh đường hò hẹn và là điểm đến để đốt thời gian. Ở Tùng, ngoài nghệ sĩ, những lữ khách có tên tuổi ra, thì có thể gặp các sĩ quan trường Võ bị Đà Lạt, giáo sư, sinh viên trường Chiến tranh Chính trị, giới nghiên cứu ở Trung tâm Nghiên cứu Nguyên tử Đà Lạt hay giảng viên Viện Đại Học Đà Lạt… Ngày đó, ông Tùng giữ nề nếp ngôi quán này đến nỗi, chỉ tuyển đàn ông làm xẹc – via (phục vụ) cùng với người trong gia đình để đảm bảo một thể diện “an toàn” cho quán.

Nhưng Tùng vẫn là một phân khúc hơi cao trong thời bấy giờ trong một thành phố lạnh và thưa dân. Ông Trần Đình Tùng có nghĩ đến một nhóm khách hàng khác, đó là giới bình dân. Nên ngoài cafe Tùng, vợ chồng ông mở quán Đôminô ở khu bến xe cũ. Một dạng quán cà phê cóc ngày nay. Bà Sáu, người giúp việc cho gia đình ông Tùng được giao trông lo quán cà phê Đôminô.

Là quán bình dân, nhưng cách phục vụ gần gũi, nhỏ nhẹ của bà Sáu cộng với sự thân tình của một người giúp việc gắn bó với gia đình ông Tùng suốt 20 năm khiến nhiều khách vào quán này cứ nghĩ bà là em vợ của ông Tùng. Ở dãy cà phê bến xe cũ, gần Đôminô, có quán cà phê Long, cà phê Bà Năm được giới bình dân, tri thức nghèo yêu thích. Cà phê Bà Năm cho đến nay vẫn còn, nhưng dời về đường Phan Bội Châu. Hai chị em Bà Năm cho đến nay vẫn đứng quán theo cách pha chế cà phê vớ (cà phê kho) ngày cũ, thành phần khách vẫn không đổi – đó là giới bình dân tứ chiếng, người lao động nghèo.

Ngày đó, sĩ quan trường võ bị Đà Lạt mặc đồ lịch sự thì vào Tùng ngồi, có hôm túi tiền eo hẹp, ra phố không muốn ai nhòm ngó, ăn vận xuyềnh xoàng thì vào Đôminô. Ở Đôminô vẫn bán cà phê do gia đình ông Tùng rang, xay, nhưng nhiều người Đà Lạt không có thói quen ngồi quán vẫn thường ghé lại Đôminô mua một ký cà phê bột do quán Tùng chế biến để về nhà pha phin uống nhâm nhi. Rẻ, chủ động.

Một trong những điểm đặc biệt trong cách bài trí quán của ông chủ mang lại không khí văn nghệ, trí thức thời điểm thập niên 1960 – 1970, ngoài âm nhạc tuyển chọn có gout văn hóa thị dân khá cao, thì còn là những bức tranh trên tường. Cà phê Tùng có không khí của một phòng triển lãm, dù mỗi một lúc, ở trên các bức tường ngôi quán này treo không được quá nhiều tranh. Nhưng ông Trần Đình Tùng là một người yêu tranh. Ông thuộc số ít những người Đà Lạt chịu chi tiền mua, sưu tầm tranh của các hoạ sĩ trẻ đương thời.

Tại cuộc triển lãm tranh sơn dầu Đinh Cường vào dịp Giáng Sinh năm 1965 ở Alliance francaise de Dalat hay triển lãm tranh ở thư viện Đà Lạt do Hội Việt Mỹ tổ chức, ông đã chọn mua nhiều bức tranh của Nghiêu Đề, Đinh Cường, Vị Ý, Cù Nguyễn, Thái Lãng,… về treo trong quán và tạo ra bộ sưu tập nhỏ cho riêng mình. Bộ sưu tập tranh của ông có đến vài ba chục bức, đa phần là tranh theo trường phái lãng mạng, bút pháp nhẹ nhàng của những hoạ sĩ trẻ mới nổi của miền Nam.

Nói về lịch sử những bức tranh trong không gian cà phê Tùng cùng bộ sưu tập của ông chủ quán, cũng là một dịp lần dở lại những trang ký ức đầy đau đơn.

Những ngày đầu tháng 4 năm 1975, Đà Lạt trời đậm đặc mùi thuốc súng của chiến tranh, ông Tùng đóng cửa quán, dắt díu mười hai người con chạy về Nha Trang. Ông Tùng cân nhắc rồi chọn những bức tranh thuộc trong số những kỷ vật giá trị của gia đình, nhất định phải mang theo. Ông chọn một số tranh ưa thích, rồi sai mấy đứa con tháo khung, cuộn và buộc chúng lại, vác theo suốt hành trình di tản. Một số khác vẫn để lại trong quán.

Sau sự kiện tháng 4-1975, Hòa bình lập lại, vợ chồng ông cùng các con trở về ngôi quán xưa. Ông Tùng đau đơn khi nhìn thấy cảnh tan hoang. Nhiều tài sản quý giá trong quán đã bị hôi của, một số bức tranh quý đã bị rạch phá. Bà Giác nhìn chồng chết lặng trong đau buồn, vì thương chồng, người đàn bà quen việc nội trợ và hàng quán này chỉ biết cùng mấy đứa con kêu thợ đóng khung, căng lại những bức tranh lấm khét khói bụi sau dặm đường xa, rồi cũng đích thân bà đi lấy xà phòng, bàn chải mà… giặt lại chúng, lại treo lên tường.

Cũng may, những bức tranh sơn dầu, acrylic trên bố ở thời điểm đó được sử dụng toàn chất liệu tốt, nên đến nay, màu sắc có biến đổi chút ít, nhưng hình và nét thì vẫn còn. Trong quán cà phê Tùng về sau này, vẫn còn họa phẩm Người chơi đàn guitar của Vị Ý. Bức tranh bán lập thể vẽ dáng một nghệ sĩ guitar cô độc với chiếc bóng đen đổ dài trên nền tranh nâu khô. Dáng người gãy đổ như muốn ra khỏi không gian khung tranh vẫn còn ngân vang một nỗi cô đơn sâu thẳm. Bức Chân dung thiếu nữ của Cù Nguyễn thấp thoáng nỗi băn khoăn xa vắng của một thời kỳ lãng mạn đã qua. Bức Thiếu nữ xanh của hoạ sĩ Đinh Cường với sắc thái lãng mạn phù hư và khắc khoải hoài niệm – một phong cách đặc thù Đinh Cường.

Tranh Người chơi đàn guitar của Vị Ý

Qua thời gian, tất cả mọi mặt tranh trong quán đều xuống màu, hư hao.

Trong một lần về Đà Lạt, hoạ sĩ Đinh Cường đã tìm đến Tùng và mua lại bức tranh Thiếu nữ xanh của mình để đem về Mỹ phục chế.

Về sau này, khi thay cha mẹ đảm đương công việc của quán, ông Trần Đình Thông – người con trai trưởng của gia đình – thường dùng mủ khoai tây để đánh lại những bức tranh trong quán khi thấy chúng bám bụi hay bay màu (!).

Những bức ảnh chụp cà phê Tùng của thập niên 1950 và đầu thập niên 1960 trên nước hình đen trắng không chỉ mô tả không gian quán, lưu giữ hình ảnh thời trẻ lịch lãm của ông chủ quán mà mã hoá ở đó cốt cách tao nhã của tầng lớp tinh hoa của một đô thị tri thức. Mặt sau của những bức ảnh, dĩ nhiên, luôn là những khoảng trắng giữa những câu chuyện, những “huyền thoại phố phường” về một thời đã qua.

Với những ai hiểu những thăng trầm của góc quán nhỏ này, sẽ nhận ra ở Tùng, có khi con người tự nguyện chìm đắm trong cõi mù sương ký ức, buông lơi hiện tại và đánh mất tương lai.

Tôi gặp nơi mỗi chỗ ngồi, mỗi góc khuất, mỗi hồi quang ở Tùng một cảm giác mà nhà văn Pháp Patrick Modiano đã gọi đúng tên khi mô tả về những con người phiêu dạt trong thời gian, qua không gian những quán cà phê Paris hậu chiến – một cảm giác “từ thăm thẳm lãng quên”.

Nguyễn Vĩnh Nguyên
Từ trong cuốn du khảo
“Đà Lạt – một thời hương xa”

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn

Bài viết cùng danh mục:

 0938 494 789