Năm mới ở nước Nga 2.

Những biểu tượng không thể thiếu của Năm Mới

Một thời gian dài hơn 70 năm, ngày Lễ Năm mới ở nước Nga bị đưa xuống hàng thứ 2, sau những ngày lễ của cách mạng, của công nhân, để rồi mãi đến sau năm 1991 mới lại được dần dần phục hồi trở lại, trở thành ngày lễ quan trọng, đầm ấm và có ý nghĩa nhất trong năm. 
Mấy năm đầu, người Nga quên bẵng mất ông già Tuyết bị chụp mũ tiểu tư sản và bị đi đầy từ hồi đầu cách mạng tháng Mười của mình, họ mời ông già Santa Claus từ Laplandia của Phần Lan sang để tặng quà cho trẻ nhỏ, để chúc mừng Năm mới và tô điểm cho đêm giao thừa của mình. Người đầu tiên sực nhớ ra ông già Tuyết là thị trưởng Moskva, ông Iuri Lidjkov, từ năm 1995 ông đã tích cực cổ vũ cho hình ảnh ông già Tuyết đã có từ ngàn xưa của người Nga. Giờ đây thì ông Già Tuyết của Nga đã có cả một dinh thự rất đẹp ở quê hương của ông ở một thành phố thuộc vùng cực bắc nước Nga, thành phố cổ Ustiug. Mỗi năm ông nhận được cả nửa triệu bức thư với những lời tâm sự, những ước mơ của các em bé từ khắp nơi trên thế giới gửi về.


Mỗi năm vào tuần cuối cùng của tháng 12, ông già tuyết từ xứ sở của mình lại lên đường đi khắp mọi miền của nước Nga để mang đến những món quà thật đẹp cho mọi em nhỏ. Những ai không sợ giá lạnh , giờ đều có thể dễ dàng đi theo các chuyến tour đến thăm quê hương của ông già Tuyết để được hưởng cái không khí của những câu chuyện cổ tích từ ngàn xưa giữa những lâu đài dựng hoàn toàn bằng gỗ, với những nàng công chúa Tuyết vui vẻ, những cô cháu gái xinh xắn luôn giúp ông già Tuyết trả lời thư cho tất cả các bạn nhỏ gửi thư về. Vào dịp gần năm mới, trong dinh của ông già Tuyết xuất hiện vô vàn những nhân vật cổ tích được làm bằng băng thật khéo dựng khắp nơi trong sân, trong vườn gợi cho du khách cái cảm giác đang bước đi trong thế giới của băng giá và tuyết.

 

 


Có lẽ ông già Tuyết của Nga khác những ông Santa Claus của các nước Âu Châu chính vì ông luôn có những cô cháu gái đi bên cạnh, giúp ông chia quà, giúp ông chơi với các em nhỏ. Mỗi khi các ông già Tuyết đến thăm các em nhỏ, ông không chỉ mang theo môt bao quà thật to để phân phát, ông còn lắng nghe và chơi cùng các em nữa. Nàng công chúa Tuyết đã giúp ông già Tuyết hiểu thế giới củatrẻ con hơn, gần gũi với các em hơn, còn trẻ con cũng dễ truyền đạt với ông những ước mơ, những mong ước của mình hơn.

 


Ở Nga đêm giao thừa là một thời điểm thật quan trọng, thật thiêng liêng. Ðối vời người Nga, Năm mới là sự kiện quan trọng nhất, còn Ðêm Giáng sinh 6 tháng 1 chỉ dành cho những ai là tín đồ Chính Thống giáo. Cho đến nay Chính Thống giáo Nga vẫn dùng cuốn lịch Juilian, là cuốn lịch do Hoàng đế La mã Julia Cezar lập ra từ thế kỷ thứ nhất trước Thiên chúa Giáng sinh. Cuốn lịch Juilian có một sai sót là tính vòng quay của trái đất quay xung quanh mặt trời nhanh hơn thực tế mỗi năm 11 phút 14 giây. Ðến thế kỷ thứ 16, vào năm 1583 giáo hoàng Grigory đã cho sửa lại sai sót này, và từ đó đến nay Âu Châu đã chuyển sang dùng cuốn lịch vĩnh cửu Grigory chính xác hơn. Từ năm 1918 nước Nga cũng đã chuyển sang sử dụng lịch Grygory trong đời sống hàng ngày, nhưng Chính thống giáo Nga cho đến nay vẫn dùng theo lịch Julian. Chính vì thế mà người Nga đón Năm mới vào ngày 1 tháng 1 như tất cả các nuớc Âu châu khác, nhưng lại đón Giáng sinh vào đêm 6 tháng 1 vì đến nay lịch Julian đã đi nhanh hơn lịch Grygory đến 13 ngày.
Nước Nga theo Chính thống giáo, nên giai điệu Ðêm Thánh Vô Cùng quen thuộc của Âu châu không được vang lên vào những ngày cuối năm này. Ðêm giao thừa, khi những ngọn nến đã được thắp lên, khi mọi người đã quây quần xung quanh cây thông Năm mới, người ta cùng hát lên giai điệu thật quen thuộc của mùa đông nước Nga
Trong rừng một cây thông non ra đời
Trong rừng cây thông đã lớn dần lên
Suốt cả mùa hè lẫn mùa đông
Cây thông luôn đẹp đẽ, xanh tươi...

 

 


Cây thông không thể thiếu trong ngày lễ đầu Năm mới ở Nga lại có số phận thật long đong. Hồi chiến tranh thế giới lần thứ nhất, vì muốn phản đối chiến tranh, dân Nga đã tẩy chay cây thông chỉ vì tập tục trang trí cây thông vào dịp Năm mới theo đạo Tin Lành từ nước Ðức du nhập vào Nga đầu thế kỷ 18. Rồi đến năm 1926 dưới thời Liên Xô, cây thông lại bị coi là một biểu hiện của giai cấp địa chủ quý tộc, nên những ai say mê mùi thông thơm nồng vào đêm Giao thừa phải mạo hiểm chặt trộm thông mang về cắm dấm dúi trong nhà. Mãi đến năm 1935, cây thông mới lại được coi là biểu tượng của năm mới và được chính thức mang ra trang trí vào mỗi dịp cuối năm. Cây thông trong điện Kremli luôn luôn là cây thông cao nhất, đẹp nhất trong cả nước. Mỗi năm người ta cẫn thận chọn một cây thông cao tới 10 m, chặt, chuyên chở từ rừng mang về Kremli để trang trí.
Giờ đây, không ai còn phải sợ mang những cây thông vô tội ra trang trí cho Năm mới nữa. Người ta thả sức lựa chọn những cây thông theo ý muốn: từ thông thật đến thông giả, từ những cây thông chở từ Canada về hay từ rừng Taiga của Nga, từ thông xanh sẫm, xanh nhạt đến mầu nhũ trắng lấp lánh.

 

 


Nhưng từ đầu thề kỷ 21, để bảo vệ rừng, chính quyền đã thay thế các cây thông tự nhiên bằng những cây thông “tân thời” toàn bằng nhựa và đèn, rất hiện đại và đẹp để trang trí các thành phố. Năm nay là năm thứ 6 Moskva tổ chức lễ hội Festival: Hành trình đến Giáng Sinh. Tất cả 78 công viên, quảng trường trong thành phố đều được chăng đèn, kết hoa vô cùng sinh động và nghệ thuật. Ngay cả người Moskva cũng ngỡ ngàng trước hình ảnh lung linh huyền ảo của các quảng trường vốn đã rất thân thuộc với họ vào dịp này. Còn cửa hàng trung tâm GUM năm nay đã lấy chủ đề cây thông là chủ đề trang trí chính. Trên các hành lang trong cửa hàng, hàng trăm cây thông đã được trang trí với các chủ đề khác nhau, vô cùng đa dạng, phong phú. Cả một rừng thông…Năm mới làm ta choáng ngợp và hân hoan như ngày nào còn nhỏ trước mỗi dịp chuẩn bị đón Năm mới.


Dù là cây thông nào đi nữa, nó vẫn là người khách thật đặc biệt chỉ xuất hiện đúng vào đêm giao thừa. Nó mang lại một một niềm vui thật khó quên cho trẻ nhỏ mỗi năm. Nó mang lại một niềm hy vọng tốt lành cho một năm sắp đến đối với tất cả mọi ngừoi lớn.

 

 

Bài và ảnh của Bùi Lan Hương

 

 

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục:

 0938 494 789