VĂN HÓA DOANH NHÂN TRONG THỜI ĐẠI NGÀY NAY.

VĂN HÓA DOANH NHÂN
 
Bất cứ thời đại nào, nếu một đất nước biết coi trọng các doanh nhân, tạo mọi điều kiện cùng với một cơ chế linh động thông thoáng. Và bản thân mỗi doanh nhân đều mang trong mình một văn hóa dân tộc và đạo đức kinh doanh sâu sắc sẽ tạo nên sự cường thịnh cho một đất nước. Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu văn hóa của một doanh nhân.
Đối với dân tộc, phải biết đau trong cái đau, nhục trong cái nhục, vinh trong cái vinh của đất nước mình, để từ đó khơi dậy lòng tự trọng bản thân, tự ái dân tộc và tinh thần kinh doanh (Entrepreneurship) . Doanh nhân không chỉ chịu trách nhiệm về đồng vốn của mình mà còn chịu trách nhiệm trước dân tộc về sự thịnh, suy của nền kinh tế. Vì vậy nếu sự giàu có riêng mình mà gây phương hại cho cộng đồng, quốc gia thì kiên quyết không làm.
Đối với Nhà nước, doanh nghiệp là mối quan hệ đối tác, tương đồng như hình ảnh "nước lên thuyền lên…"; doanh nhân có nghĩa vụ thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến kinh doanh, nhất là các nghĩa vụ về tài chính; doanh nhân cùng có trách nhiệm xây dựng thể chế, chính sách, góp phần dỡ bỏ những rào cản bất hợp lý làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư và kinh doanh.
Đối với công chức nhà nước, doanh nhân là mối quan hệ đồng hành, tương tác, hỗ trợ lẫn nhau; doanh nhân sẽ không thỏa hiệp, nhún nhường, móc ngoặc với những công chức thoái hóa, biến chất làm phương hại đến nền kinh tế nước nhà. Doanh nhân là người hết mình kiếm lợi nhuận chính đáng, nhưng không luồn lách để mưu cầu đặc lợi trong kinh doanh.
Đối với đồng vốn, doanh nhân có ý thức không trút vào những lĩnh vực kinh doanh mà luật pháp cấm; tránh xa những hoạt động buôn lậu, trốn thuế, mờ ám gây bất ổn cho cộng đồng, xã hội, dù những hoạt động đó cho lợi nhuận rất cao. Đối với đồng lời, doanh nhân luôn sử dụng đúng nơi, đúng lúc, đúng chỗ, như: ưu tiên tái đầu tư những dự án làm cho cộng đồng vui và bản thân mình vui, chú trọng bảo vệ để nâng cao chất lượng cuộc sống của cộng đồng, nếu trong đầu tư có xâm phạm đến môi trường, cảnh quan thì lập tức có ý thức bù đắp lại.
Đối với xã hội, cố gắng thể hiện bằng được tố chất "đứng mũi chịu sào", lo trước cái lo của người lao động, vui sau niềm vui của những người chung quanh, và hưởng thụ sau sự huởng thụ của cộng đồng; sẵn sàng tham gia các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, cứu trợ xã hội, tạo mối quan hệ tốt với các tầng lớp nhân dân nơi doanh nghiệp đặt trụ sở.
Đối với doanh nghiệp do mình làm chủ, doanh nhân luôn trân trọng sự cống hiến của mọi thành viên, chăm lo đời sống tinh thần cũng như vật chất của cộng sự; biết vun đắp một đội ngũ kế thừa, và mở ra cơ hội thăng tiến cho từng thành viên.
Đối với khách hàng và đối tác, doanh nhân luôn giữ gìn chữ tín; những gì đã hứa với những vị khách quý này phải được thực hiện đến nơi đến chốn, nếu sai hẹn phải xin lỗi và tìm cách bù đắp thiệt hại, chia sẻ rủi ro nếu có. Doanh nhân còn là người sẵn sàng nói lời cảm ơn, xin lỗi, vui lòng,... một cách chân thành với đối tác, khách hàng, cộng sự và với cấp dưới của mình.
Đối với các tầng lớp khác trong xã hội, khi giao tiếp, doanh nhân cần thiết thể hiện tư cách đàng hoàng, tác phong đĩnh đạc, phong thái tự tin, trí tuệ sắc sảo, kiến thức sâu rộng tương xứng với vai trò là một lực lượng đảm đương và đóng góp quan trọng về sự hưng thịnh của nền kinh tế nước nhà.
Đất nước của chúng ta đang rất cần một đội ngũ doanh nhân đông về số lượng, mạnh về chất lượng. Trong khi đó, thực tế lại cho thấy giới kinh doanh hiện nay đang thiếu một nền văn hóa riêng của giới mình...
 
- NGUYỄN QUANG ÁNH - GIÁM ĐỐC CÔNG TY DU LỊCH GRANDTOUR. -
Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục:

 0938 494 789