Teambuilding - cuộc chơi hữu ích cho cộng đồng

Con người ngày càng có nhiều nhu cầu, trong đó du lịch đem lại nhiều lợi ích cho người hưởng thụ đồng thời tạo ra nhiều hình thức kinh doanh cho các doanh nghiệp khai thác ngành công nghiệp không khói này. 
 
Team-building (xây dựng nhóm) là một trong những hình thức du lịch cộng đồng đang có khuynh hướng phát triển tại Việt Nam, kết hợp đào tạo nhằm xây dựng kỹ năng làm việc nhóm, được doanh nghiệp vận dụng ngày càng nhiều trong chiến lược xây dựng công ty. Chương trình thường có nhiều trò chơi, kết hợp thực hành - đánh giá - đào tạo, nhằm liên kết và giữ người tài, đồng thời khơi dậy động lực và niềm tự hào trong mỗi nhân viên để cùng hướng đến mục đích chung.
 
 
 
 
Bộc lộ cá nhân
 
Các trò chơi được xây dựng theo yêu cầu và tình huống thực tế của doanh nghiệp. Điều thú vị là qua những hoạt động mang tính thách thức cao và môi trường cởi mở, thành viên sẽ bộc lộ bản thân trung thực nhất từ sức ảnh hưởng, khả năng lãnh đạo, giải quyết vấn đề, vai trò, trách nhiệm, kỹ năng hợp tác, tinh thần tập thể cho đến giao tiếp hiệu quả và tạo mối quan hệ…
 
Một số trò chơi nhằm xây dựng văn hoá doanh nghiệp như ngày hội gia đình, tiệc cuối năm... Có những trò chơi ấn tượng như “Một ngày hoán đổi công việc”, “Trust me” giúp thành viên hiểu nhau hơn... Tuy nhiên, một số trò chơi nhằm tạo tình huống mâu thuẫn, thậm chí là xung đột… và từ đó khả năng và vai trò của mỗi người được thể hiện rõ.
 
Có những tình huống cực kì căng thẳng khi nhóm không tìm được tiếng nói chung, ai cũng mang tư tưởng muốn làm người chỉ đạo, chỉ biết nói mà không biết lắng nghe.
 
Hàng loạt trạng thái cảm xúc được bộc lộ: vui sướng, thoải mái khi tiếng nói có “trọng lượng” với nhóm; bất mãn, bực bội khi ý kiến không được quan tâm, không nói được hết những gì muốn nói vì liên tục bị cắt ngang; hụt hẫng khi kêu gọi sự giúp đỡ trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà không nhận được hồi âm; sốc khi nhận được phản ứng của các thành viên còn lại vì một phút mất tập trung, làm công việc không suôn sẻ như mong muốn.
 
“Team-building là công cụ giúp nhà quản lý phát hiện điểm mạnh và điểm yếu của từng thành viên, từ đó đề xuất biện pháp khắc phục”, bà Huỳnh Nguyệt Thu, giám đốc nhân sự của Công ty SVTech - nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ của hãng Sun Microsystems tại Việt Nam - nhận xét.
 
Tinh thần đồng đội và văn hóa doanh nghiệp
 
Bà Huỳnh Nguyệt Thu cho biết, công ty bà chọn hình thức team-building tổ chức du lịch hàng năm cho nhân viên. Công ty SVTech có văn phòng tại Hà Nội và Tp.HCM, những chuyến du lịch team-building cũng là dịp để nhân viên giao lưu, gắn kết sức mạnh tập thể theo mục tiêu của công ty đề ra là “Cùng nhau chiến thắng” (Together winning). Qua mỗi chuyến đi, nhà quản lý cũng có cơ hội phát hiện được khả năng của từng người trong đội ngũ nhân viên.
 
Ông Trương Hoàng Phương, Giám đốc tiếp thị Công ty Vietmark - nhà tổ chức chuyên nghiệp loại hình du lịch team-building - cho biết hiện có nhiều công ty liên doanh tìm đến công ty ông nhờ tổ chức du lịch theo hình thức trên. Gần đây nhất, Vietmark đã tổ chức chương trình team-building cho các công ty như Coca Cola, Holcim, Kim Tín và một số công ty khác.
 
“Các công ty muốn phát triển cần có sự đoàn kết, tương tác lẫn nhau giữa nhân viên. Hình thức team-building nhằm phục vụ nhu cầu kinh doanh, chi phí cho chương trình nằm trong ngân sách đào tạo của các công ty”, ông Phương nói.
 
Với một số công ty liên doanh lớn, việc kết nối thành viên từ khắp nơi trên đất nước rất khó. Nhưng team-building với nhiều trò chơi mang tính trí tuệ có thể làm được điều đó. Team-building thích hợp với những công ty đang có sự thay đổi nhân viên, luân chuyển giữa các bộ phận, hoặc nội bộ lủng củng; những tổ chức đa quốc gia, nhiều bộ phận.
 
Tuy nhiên theo ông Phương: “Các công ty Việt Nam chưa chú ý đến chương trình này, có thể vì quy mô nhỏ hoặc chưa xem trọng sự đoàn kết của nhân viên trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp”.
 
Các chuyên gia kinh tế dự báo thế kỷ 21 sẽ là thế kỷ làm việc theo nhóm. Đây chính là hạn chế của nguồn lực nhân sự Việt Nam. Xây dựng đội ngũ nhân viên giỏi, có tinh thần làm việc đồng đội cao và bản sắc văn hoá doanh nghiệp riêng biệt là vấn đề làm đau đầu không ít lãnh đạo doanh nghiệp.
 
Bí mật đến phút chót
 
Team-building được áp dụng phổ biến ở các nước phát triển như Đức, Pháp, Mỹ, Thụy Điển, Thụy Sĩ... từ trường học đến tổ chức. Từ năm 2002, Công ty AQL - chuyên cung ứng và đào tạo nhân lực - bắt đầu khai thác dịch vụ team-building tại Việt Nam. Khách hàng đa phần là các tập đoàn, công ty nước ngoài.
 
Tuy nhiên, thực tế là hình thức team-building không dễ thực hiện vì các chương trình đòi hỏi phải luôn sáng tạo, tìm tòi. “Chúng tôi luôn phải tìm giải pháp cho bài toán do khách hàng đặt ra để xây dựng những kịch bản team-building độc đáo, giàu chất trí tuệ, huấn luyện kỹ năng cho từng doanh nghiệp đặc thù”, ông Phương cho biết.
 
Yêu cầu khi tổ chức team-building là thành viên phải có thể chất đảm bảo đáp ứng các hoạt động, đòi hỏi nỗ lực cá nhân và tập thể. Một chương trình team-building hiệu quả thường tổ chức cho khoảng từ 40 - 50 người, chia thành nhiều đội, mỗi đội từ 5-6 người. Khi chia nhỏ như vậy, mỗi người sẽ phát huy được vai trò và trách nhiệm, đồng thời thấy được sự hỗ tương với nhau giữa các thành viên.
 
Cũng cần phải hiểu rằng, không phải cứ tổ chức vui chơi cho một tập thể đông người là team-building mà phải tính đến mục đích và hiệu quả của chương trình. Ông Phương nói: “Team-building là huấn luyện, đào tạo. Ngoài việc lo ăn, nghỉ, chuyến đi còn phải đạt được mục tiêu nào đó như nhân viên hiểu nhau hơn, giúp người mới hòa nhập vào công ty, truyền đạt sự thay đổi của công ty cách nhẹ nhàng nhất hay thúc đẩy quyết tâm thực hiện mục tiêu cuối năm”.
 
Nhà tổ chức team-building cần biết khách hàng muốn gì, sau đó suy tính giải pháp để lên chương trình phù hợp. Trước tiên là chọn địa điểm. Tùy theo kinh phí các công ty dành ra, gần có thể đến Bình Quới, thác Giang Điền (Đồng Nai), Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu), xa có thể đến Nha  Trang, Cát Bà… Người làm du lịch phải nghĩ ra nhiều trò chơi truyền tải thông điệp khách hàng yêu cầu.
 
Ông Phương nói: “Nguyên tắc tổ chức team-building là phải giữ bí mật đến phút cuối cùng; thử thách, đánh giá và tưởng thưởng”.
 
Ông kể, có những nơi yêu cầu đẩy sự tương tác lên cực điểm, công ty có thể dẫn đoàn vô rừng, bỏ đói một ngày. Khi đó, mỗi thành viên sẽ có phản ứng khác nhau như người bí xị, người lo chặt củi, người càu nhàu hoặc thậm chí chửi bới, người kết nối tập thể giải quyết vấn đề, người huyên thuyên… Có lần, một đội của công ty nọ không tham gia trò chơi mà còn xuyên tạc nhóm khác. Ông Phương nói: “Những thành viên tham gia có thể không hài lòng, nhưng về mặt tổ chức, chương trình như vậy xem như thành công”.
 
Xin kết thúc bài viết bằng lời bộc bạch của một thành viên nữ (không muốn nêu tên) sau một chuyến du lịch team-building: "Xưa nay, cứ nghĩ du lịch là đi chơi, thư giãn, nghỉ ngơi... ai dè, khổ quá chừng. Nhưng hóa ra cũng có cái hay, vất vả nhưng rất vui và hay nhất là cá tính từng người trong sinh hoạt đời thường có dịp bộc lộ hết nên mọi người hiểu nhau hơn thay vì cái vỏ bọc trong giao tiếp công việc hàng ngày".
 
Hãy liên hệ với chúng tôi để có 1 chương trình Teambuilding được thiết kế dành riêng theo đúng chuẩn văn hóa doanh nghiệp của đơn vị mình. GRANDTOUR – nhà tổ chức Teambuilding chuyên nghiệp.

Theo thời báo kinh tế sài gòn. 

Chia sẻ:

Bài viết cũ hơn Bài viết mới hơn

Bài viết cùng danh mục:

 0938 494 789